Thủ tục làm lễ nhập trạch nhà mới phải chọn ngày tốt giờ tốt, gia chủ tự mang bài vị Gia thần, Tổ tiên, ko được chuyển đồ đạc buổi tối, chuyển chiếu, đệm trước rồi tới bếp…
Lễ nhập trạch là gì?
Lễ nhập trạch là tên gọi Hán Việt của lễ về nhà mới (lễ dọn về nhà mới). Nhà mới đó có thể do chính gia gia tự mình xây dựng hoặc nhà mới mua lại từ người khác. Nó cũng áp dụng cho lễ nhập trạch nhà chung cư hay lễ nhập trạch nhà thuê.
Cùng với nghi thức làm lễ động thổ xây nhà, đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ cổ truyền của người Việt nói chung và nghi lễ làm nhà nói riêng.

Một số lưu ý khi chuyển nhà
Chuyển nhà cần chú ý gì? Người Việt xưa rất coi trọng các nghi lễ làm nhà bởi dân gian cho rằng “an cư lạc nghiệp”. Có mái nhà yên ấm mới giúp sự nghiệp thăng tiến. Gia đình ổn định là bệ phóng của mọi thành công.
Hơn nữa, “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Vì vậy, trước khi chuyển về nhà mới người xưa rất cẩn thận. Những quy định khắt khe về lễ nhập trạch gồm những gì được liệt kê ra. Sau đó gia chủ bố trí thời gian, công việc triển khai tỉ mỉ, thể hiện sự tôn kính các đấng Thần linh.
Theo sách 100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt, một số lưu ý khi chuyển nhà gồm:
- Chọn ngày tốt, giờ tốt
- Gia chủ tự tay dọn đồ đạc mang tới nhà mới (Nếu thuê đơn vị vận chuyển thì tự mình dọn các thứ quan trọng).
- Gia chủ tự mang bài vị Gia thần, Tổ tiên tới nhà mới; những thành viên khác trong gia đình theo sau, tay mang các vật tượng trưng cho tiền của để khi về nhà mới được phát tài phát lộc.
- Thời gian chuyển nhà đẹp nhất: Buổi sáng, giữa trưa hoặc lúc mặt trời chuẩn bị lặn; không chuyển nhà vào buổi tối.

Mâm lễ nhập trạch nhà mới cần những gì?
Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà chuẩn bị mâm lễ nhập trạch cho phù hợp. Không nên mua sắm quá cầu kỳ vượt quá mức chi trả làm ảnh hưởng tới tài chính. Bởi vì, việc xây dựng hoặc mua nhà cửa đã tiêu tốn rất nhiều tiền của rồi.
Mâm lễ cúng Thần linh và Gia tiên vào ngày nhập trạch thường gồm:
- Mâm lễ mặn: Rượu, thịt (gà luộc, thịt lợn luộc..), xôi (xôi trắng, xôi gấc…), các món xào nấu…
- Mâm lễ ngọt: Trầu, cau, hương, hoa, trà, quả (các loại quả theo mùa), bánh kẹo…
- Hương, đèn, nến, vàng mã (nhiều gia đình hiện đại giờ bỏ qua vàng mã hoặc chỉ hóa tượng trưng để bảo vệ môi trường), …

Tiến hành thủ tục làm lễ nhập trạch nhà mới
Sau các khâu chuẩn bị ở trên là tới tiến hành các thủ tục làm lễ nhập trạch. Đây là điều quan trọng nhất các gia chủ cần phải nhớ. Theo người xưa, thực hiện đúng những phép tắc này thì ở nơi ở mới gia trạch sẽ hanh thông, tài vận thăng tiến, cả nhà vui vẻ.
Thứ tự chuyển đồ vào nhà mới
Vật điều tiên mang vào nhà là chiếu hoặc đệm mà gia chủ đang sử dụng, sau đó mới tới bếp lửa, chổi quét nhà, gạo, muối, nước…

Cúng Thần linh trước, yết cáo Gia tiên sau
Làm lễ cúng Thần linh để xin nhập trạch và xin Thần linh rước vong linh Gia tiên về nhà mới để thờ phụng.
Cách bày mâm lễ cúng:
- Các lễ vậy sắp xếp vào mâm để trên bàn.
- Mâm kê theo hướng đẹp hợp với tuổi của gia chủ (thường là hướng bàn thờ).
- Làm một bát hương tạm thời (nếu chưa có bàn thờ chính) và tự tay gia chủ thắp hương vào bát rồi khấn Thần linh (Xem bài văn khấn bên dưới).
- Sau khi khấn Thần linh, gia chủ bật bếp và đun nước để khai hỏa (khai bếp). Sau đó dùng chính nước sôi vừa đun để pha trà dâng cúng Thần linh, Gia tiên và mời khách.
- Cúng Thần linh xong, gia chủ làm lễ yết cáo Gia tiên rồi mới sắp xếp, kê dọn các đồ đạc trong nhà (Xem bài văn khấn bên dưới).
- Kê đồ đạc xong, toàn gia tổ chức lễ bái Thần Phật, các vị Thánh thần và Tổ tiên để cầu bình an.
Lưu ý: Gia chủ có thể tự mình thành tâm làm lễ nhập trạch mà không cần bỏ tiền thuê bất cứ thầy cúng nào. Nếu chỉ nhập trạch để lấy ngày mà chưa có nhu cầu ở luôn thì gia chủ phải ngủ một đêm ở nhà mới.

Nên xem: Phong thủy ông Thần Tài: Nguồn gốc và phong tục thờ cúng ở Việt Nam
Kiêng kỵ khi tiến hành thủ tục làm lễ nhập trạch
Phụ nữ có thai không nên tham gia vào việc dọn nhà mới vì an toàn sức khỏe và cũng là kiêng kỵ. Trong trường hợp không thể rời khỏi nhà thì nên mua một chiếc chổi mới để đích thân người phụ nữ này quét qua tất cả đồ đạc rồi người nhà di chuyển chúng sang nhà mới. Theo phong tục xưa, điều này là để tránh không bị phạm vào tội “Thần thai”.
Không nên nhờ những người tuổi Dần dọn nhà giúp.

VĂN KHẤN NHẬP TRẠCH
1- VĂN KHẤN THẦN LINH
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chưa vị Tôn thần.
Con kính lạy các ngày Thần linh bản xứ cai quản ở trong xứ này
Tín chủ chúng con là…………..
Ngụ tại……………………………(Địa chỉ nhà mới).
Hôm nay là ngày….tháng….năm…., tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Trước bản tọa chư vị Tôn thần tín chủ chúng con kính cẩn tâu trình:
Các vị Thần linh
Thông minh chính trực
Giữ ngôi tam thai
Nắm quyền tạo hóa
Thể đức hiếu sinh
Phù hộ dân lành
Bảo vệ sinh linh
Nêu cao chính đạo
Nay gia đình chúng con hoàn tất tân gia, chọn được ngày lành tháng tốt dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm lửa để kính lễ khánh hạ. Cầu xin chư vị minh thần cho chúng con đến nhập vào nhà mới tại………………. và lập bát hương thờ chư vị Tôn thần.
Chúng con xin phép chư vị Tôn thần cho ước vong linh Gia tiên chúng con về nơi này để thờ phụng. Chúng cầu xin chư vị minh Thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an sinh, khang thái, làm ăn tiến tới, tài lộc dồi dào, vạn sự như ý, vạn điều tốt lành.
Tín chủ lại mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủa ở trong nhà này, đất này xin mời các vị cùng về đây chiêm ngưỡng Tôn thần, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ sức khỏe dồi dào, an khang, thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
2- VĂN KHẤN YẾT CÁO GIA TIÊN
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy tổ tiên nội ngoại họ……..……
Hôm nay là ngày….tháng….năm…., gia đình chúng con mới dọn đến đây………………(địa chỉ nhà mới).
Chúng con thành tâm sắm lễ quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước bàn thờ cụ nội, cụ ngoại, Gia tiên tiền tổ hai bên họ………….. Nhờ hồng phúc tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà mới. Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường, nhóm lửa, kính lễ khánh hạ.
Cúi xin các cụ, ông bà cùng chư vị hương linh hai bên nội ngoại họ………….thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được mạnh khỏe.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Lưu ý: Nếu ghi bài khấn ra giấy thì hóa đi sau khi làm lễ.
Nên xem: Sao lại kiêng kỵ tháng cô hồn khi nó là tháng con người có lòng từ bi nhất?