Phong thủy ông Thần Tài: Nguồn gốc và phong tục thờ cúng ở Việt Nam

Tìm hiểu tất tật những kiến thức dân gian về phong thủy ông Thần Tài vị thần mang lại tiền tài, may mắn và giàu có cho mọi nhà mà ai cũng nghĩ mình đã biết.

Thần Tài là ai?

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thần Tài (Tài thần) là một vị thần mang lại tiền tài, may mắn và giàu có cho mọi nhà. Ngài còn được gọi với tên Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái.

Phân biệt ông Thần Tài với các vị thần khác

Hình tượng ông Thần Tài được biết tới là một người cao lớn, đầu đội mũ, mặc đồ quan màu đỏ hoặc vàng, mặt mũi phương phi, phong thái dung dung tự tại, miệng cười vui vẻ, râu dài, tay cầm xâu tiền xu, vàng nén hình chiếc thuyền hoặc bao lì xì.

Hình ảnh ông Thần Tài không thể thiếu trong các Lễ, Hội, đặc biệt là trên các phong bao lì xì dịp Tết Nguyên Đán.

Nguồn gốc ông Thần Tài

Có rất nhiều câu chuyện giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của ông Thần Tài nhưng tục thờ cúng Thần Tài xuất phát từ nước Trung Hoa cổ đại.

Câu chuyện thứ nhất – Thần Tài Triệu Công Minh:

Theo Từ điển Wikipedia, truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, thời nhà Thương có Triệu Công Minh lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Sau đó, ông đắc đạo và được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái phụ trách việc diệt trừ ôn dịch, chữa bệnh trừ tà. Ai có chuyện oan ức tới gặp ông sẽ được giúp đỡ. Người buôn bán nếu cầu cúng ông sẽ được phát đạt. Đó là Thần Tài Triệu Công Minh.

Ông được mô tả là một người có khuôn mặt đen, râu rậm, tay cầm roi và cưỡi cọp đen.

Phong thuy ong Than Tai Nguon goc va phong tuc tho cung o Viet Nam (2)

Thần Tài Triệu Công Minh theo truyền thuyết Trung Hoa (Ảnh: huaban.com)

Câu chuyện thứ hai – Công thần làm thương nhân:

Có nguồn cho rằng ông Thần Tài chính là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa cổ đại tên là Phạm Lãi. Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông rất mực trung thành và hết lòng phò tá giúp nhà Vua vượt qua những cơn binh biến.

Tuy nhiên, sau khi nước nhà yên ổn, Phạm Lãi rời xa chốn quan trường, đưa người yêu là Tây Thi về quê ở ẩn rồi trở thành một thương nhân giàu có nổi tiếng. Kể từ đó Phạm Lãi được người đời gọi là Đào Công và tôn làm Thần Tài.

Câu chuyện thứ ba – Vía người hầu và tục kiêng đổ rác ngày Tết:

Theo sách “100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt”, ngày xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh. Anh vốn hiền lành, chăm chỉ buôn bán khắp nơi nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó, lận đận. Một hôm, Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần cho một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Âu Minh đưa Như Nguyệt về giúp việc trong nhà. Thật kỳ lạ, từ ngày có Như Nguyệt, mọi việc của Âu Minh tự nhiên suôn sẻ, công việc làm ăn vô cùng phát đạt. Chỉ vài năm sau, anh bỗng trở thành một thương nhân giàu có trong vùng.

Ngày nọ, không biết vì cớ gì mà Âu Minh nổi nóng rồi đánh Như Nguyệt quá tay khiến nàng sợ hãi trốn vào đống rơm rồi biến mất. Kể từ đó, gia cảnh nhà Âu Minh bắt đầu sa sút, thất cơ lỡ vận và trở lại cuộc sống nghèo túng như trước kia. Lúc ấy, Âu Minh mới nghĩ ra, có thể Như Nguyệt chính là Thần Tài của mình. Nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Nhiều người đoán rằng, có lẽ từ câu chuyện trên, dân gian mới có tục kiêng quét nhà đầu Năm mới, nhất là ngày mồng 1 Tết. Họ sợ đổ đi sẽ mất lộc vì tin rằng có Thần Tài ẩn nấp trong đó. Còn nếu quét nhà thì sẽ dồn rác vào một góc để qua 3 ngày Tết mới đổ đi nhằm cầu mong may mắn sẽ lưu lại trong năm để gia trạch bình an, giàu có. Những người buôn bán, kinh doanh thì lập bàn thờ Thần Tài ở góc nhà, góc văn phòng hoặc các nơi xó xỉnh để mong buôn may, bán đắt.

Câu chuyện thứ tư – Vía Thần Tài say rượu:

Lại có nguồn cho rằng, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc chốn Thiên Đình nhưng trong một lần mải chơi uống rượu say không biết gì rồi bị rơi xuống trần gian. Do đầu đập vào đá nên Thần Tài không nhớ mình là ai và bị dân chúng lột sạch quần áo, mũ nón đem bán. Không biết làm gì để kiếm sống, Thần Tài đành đi xin ăn khắp nơi để mưu sinh.

Ngày nọ, có một quán ăn bán các món gà, vịt, heo quay ế ẩm nên mời Thần Tài vào ăn. Kỳ lạ, từ khi Thần Tài bước vào thì các khách khác cũng kéo vào nườm nượp. Kể từ đó ngày nào chủ quán cũng mời Thần Tài đến ăn.

Một thời gian sau, chủ quán thấy Thần Tài không làm gì mà lại toàn được ăn uống đồ ngon, người ngợm bẩn thỉu, dơ dáy do lâu ngày không tắm, sợ khách hàng thấy sẽ không tới quán nữa nên đuổi Thần Tài đi.

Quán đối diện đang ế thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn và khách lại ùn ùn kéo đến. Từ đó, mọi người ai ai cũng tranh giành cầu mong được Thần Tài gõ cửa để làm ăn phát đạt.

Nhưng chẳng bao lâu, đến đúng ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, Thần Tai bay trở về trời. Để tưởng nhớ Thần Tài, dân gian chọn ngày đó làm ngày Vía Thần Tài.

Phong thuy ong Than Tai Nguon goc va phong tuc tho cung o Viet Nam (1)

Dân gian cho rằng đầu Năm mới có Thần Tài đến gõ cửa sẽ được may mắn

Tục cúng Thần Tài ở Việt Nam

Dù có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng tín ngưỡng phong thủy ông Thần Tài ở Việt Nam rất khác. Người Việt đặt bàn thờ Thần Tài ở góc nhà và thờ cúng quanh năm chứ không chỉ mỗi các ngày Lễ lớn. Đồ lễ vật đơn giản, tùy tâm chứ không cầu kỳ.

Dân gian lấy ngày mồng 10 Tết Nguyên Đán hàng năm (Ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch) là ngày Vía Thần Tài để các cửa hàng, xí nghiệp, những cơ sở kinh doanh buôn bán khai trương, mở cửa hàng lấy may hoặc người dân thì đi mua sắm, đặc biệt là mua vàng mong cả năm được nhiều tài lộc.

Vào dịp giỗ, Tết, sóc vọng người dân thường cúng mặn, có khi là cả mâm cỗ to nhưng ngày thường thì chỉ trầu, nước và hoa quả.

Ở miền Nam Việt Nam, người dân thường thờ ông Thần Tài và ông Địa ở trên cùng một bàn thờ nên gọi chung thành Thần Tài Ông Địa.

Ông Địa có nước da hồng hào, vóc dáng đẫy đà, khuôn mặt hài hước, miệng luôn nhoẻn cười, khăn buộc vểnh trước trán, mặc áo choàng đỏ hở bụng tròn to, tay cầm chiếc quạt luôn phe phẩy.

Phong thuy ong Than Tai Nguon goc va phong tuc tho cung o Viet Nam (3)

Bàn thờ Thần Tài (trái) Ông Địa (phải) ở miền Nam Việt Nam (Ảnh: baotintuc.vn)

Kết luận

Dẫu tín ngưỡng về phong thủy ông Thần Tài có chút thiên về yếu tố tâm linh nhưng không thể phủ nhận nó thể hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Phong tục này đã tồn tại trong dân gian nhiều năm nay và rất khó thay đổi. Nếu lòng tin của người dân, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán chỉ dừng lại ở đó, không lãng phí tiền của, sa đà vào việc đốt vàng mã, cúng tế rình rang thì đây sẽ trở thành một nét văn hóa mang đậm đà bản sắc.

> Đọc thêm:11 điều cần biết về bàn thờ Thần Tài ông Địa và ngày Vía Thần Tài chuẩn nhất

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

error: Content is protected !!